Câu chuyện thành công của New York
Năm 1962, hai tác giả trẻ Lloyd Shapley và David Gale viết trên tạp chí American Mathematical Monthly một bài với tiêu đề lạ lẫm “Tuyển sinh đại học và sự ổn định của hôn nhân”. Bài viết trình bày một thuật toán giản đơn để giải quyết một vấn đề rất phổ biến trong xã hội là sự ghép đôi giữa cung và cầu; như nguyện vọng nhập học của sinh viên và tiêu chí tuyển sinh của các đại học; hoặc sự cân bằng nhu cầu tìm bạn đời của hai giới trên những chuyên mục làm quen.
Những năm đầu thập niên 2000, hệ thống trung học công lập ở New York xét tuyển đầu vào theo cơ chế tương tự như tuyển sinh đại học ở Việt Nam hiện nay: dựa trên điểm học tập của thí sinh và 5 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Năm 2003, gần 100.000 học sinh dự tuyển, hơn 31.000 trường hợp không được theo học như mong muốn.
Chính quyền thấy phải hành động!
Nhóm của Alvin Roth, áp dụng thuật toán của Shapley và Gale, xây dựng một chương trình máy tính tự động chọn trường cho thí sinh, với mục tiêu có càng nhiều thí sinh thỏa mãn nguyện vọng càng tốt. Qua năm sau, 2004, chỉ còn khoảng 3.000 học sinh không thể theo học trường như ý. Cho đến gần đây, hầu hết các thành phố của nước Mỹ áp dụng cơ chế tuyển sinh theo New York.
Năm 2012, Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel kinh tế cho Lloyd Shapley và Alvin Roth về những đóng góp cho “Lý thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường” – thực chất là một sự mở rộng từ bài báo ban đầu của Shapley và Gale. Không ai tưởng tượng bài báo ngắn gọn của 50 năm trước đã khai sinh ra một ngành nghiên cứu mới của kinh tế học thường gọi với cái tên “lý thuyết ghép cặp” (matching theory).
Dạy và học thuật toán ở Việt Nam
Thuật toán Gale-Shapley không hề xa lạ với lập trình viên Việt Nam; những sinh viên ngành công nghệ thông tin được giảng dạy thuật toán này vào năm giữa của chương trình đại học; đối với học sinh của các trường chuyên tin, các em thậm chí được làm quen với ghép cặp từ lớp 11. Nhưng, đến khi ra trường, đọng lại trong trí nhớ của đa số sinh viên chỉ còn mang máng một cái tên “thuật toán ghép cặp”.
Ví dụ của New York chỉ là một trong số vô vàn những thực tế về sự ứng dụng thành công các kiến thức thuật toán vào cuộc sống. Nhưng, vấn đề tương tự ở New York vẫn tồn tại ở Việt Nam, vẫn là đề tài nóng của báo chí mỗi khi vào mùa nhập trường, phụ huynh vẫn đi từ sáng sớm đến trường nộp hồ sơ, và nhà trường vẫn lựa chọn học sinh bằng những phần mềm “chạy bằng cơm” – theo lối nói của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Trên blog của mình, giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ trao đổi về vấn đề toán ứng dụng ở Viện VIASM: “Vấn đề này rất dễ trên giấy tờ và rất khó trên thực tế”. Câu nói từ một giáo sư nổi tiếng cho chúng ta một hình dung về sự khó khăn trong việc áp dụng những ý tưởng thuật toán vào cuộc sống như thế nào, đặc biệt trong những xã hội mà việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo chưa phải là một văn hóa.
Người Việt Nam được đánh giá cao trong các cuộc thi lập trình toàn cầu, những cuộc thi đòi hỏi kiến thức và thông hiểu thuật toán một cách sâu sắc. Người Việt cũng được cho là phù hợp với học Toán; nhưng, chưa có văn hóa áp dụng thuật toán vào cuộc sống ở Việt Nam, sinh viên học thuật toán chỉ để đi thi và có điểm.
Ảnh: Việt Nam chưa bao giờ lọt vào TOP 10 tại cuộc thi lập trình sinh viên ACM-ICPC.
Không khó để giải thích việc thuật toán bị lãng quên, khi mà trong suy nghĩ của phần đông mọi người, máy tính chỉ là một công cụ nhập dữ liệu, in ấn, đọc báo, nghe nhạc, xem phim và chơi trò chơi. Sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường được khuyến khích trau dồi ngoại ngữ và các kĩ năng mềm, phần kiến thức chuyên môn được mặc định xem là ổn. Nhưng kĩ sư ngành công nghệ thông tin yếu về thuật toán có thể xem là ổn hay không? Câu trả lời là không, nó giống như bác sĩ giải phẫu nhưng hiểu lơ mơ về cấu tạo cơ thể người vậy.
Vai trò của thuật toán trong cuộc cạnh tranh toàn cầu
Có sự trái ngược giữa các bài tuyển dụng nhân sự ở các công ty phần mềm nước ngoài và các công ty của Việt Nam, đó là: sự coi trọng kiến thức thuật toán. Có những câu phỏng vấn về giải thuật của Google hay Microsoft làm điên đầu cả những chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhiều câu hỏi lọt ra ngoài và trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên các trang như StackOverflow hoặc Quora. Ở Việt Nam, tuyển dụng nhân sự chủ yếu quan tâm đến hiểu biết về lập trình của ứng viên, rất hiếm khi vấn đề thuật toán được thảo luận, và nếu có, thì chỉ là những chủ đề giản đơn.
Không có sai sót gì ở phía tuyển dụng của các công ty Việt Nam, họ xây dựng bài phỏng vấn dựa trên những điều họ cần từ phía ứng viên. Đa số các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thực hiện đơn hàng gia công, trong đó hầu hết các vấn đề liên quan đến công nghệ và giải thuật đã được giải quyết bởi bên đặt hàng, việc còn lại của các lập trình viên Việt Nam là làm chính xác những gì được yêu cầu, không cần sáng tạo, cần nhanh và đúng.
Trong thang bậc chuỗi giá trị của ngành phần mềm, việc viết mã thuộc nhóm có giá trị tương đối thấp, mức cao hơn là các công việc liên quan đến phân tích, thiết kế, tối ưu hóa sản phẩm; cao hơn nữa là năng lực nghiên cứu, xây dựng giải pháp. Các công ty phần mềm Việt không thể mãi viết mã gia công theo đơn hàng, nhưng sự thiếu hụt về năng lực giải thuật là rào cản ngăn họ chuyển dịch lên bậc cao hơn trong chuỗi.
Giữa năm 2016, một start up Nhật Bản được East Ventures đầu tư là AI+ đã không thể tìm kiếm được đối tác tại Việt Nam cho những dự án về xử lý dữ liệu của họ. Đâu đó trên báo chí, đã có những câu chuyện về đầu tư Mỹ, Hàn dự kiến điểm đến là Việt Nam, nhưng rồi phải đổi sang nước khác vì không thể tuyển dụng được nhân lực phù hợp.
Sự thay đổi đã bắt đầu
Một số doanh nghiệp như Samsung Việt Nam, trong chiến lược chuyển hướng từ công ty sản xuất thiết bị sang công ty sản xuất phần mềm, đã mạnh mẽ triển khai các chương trình phát triển năng lực lập trình và các hệ thống quy chuẩn đánh giá năng lực lập trình viên theo nhiều cấp. Năng lực lập trình được coi là một năng lực cơ bản bên cạnh các kỹ năng về các lĩnh vực chuyên môn khác.
Không chỉ có Samsung, nhiều tập đoàn khác cũng đang cố gắng xây dựng đội ngũ làm thuật toán cho riêng họ; Viettel, VNG, FPT,… đều đang đầu tư cho nghiên cứu và bắt đầu tuyển dụng nhân sự làm thuật toán, họ hiểu rằng, thuật toán là trái tim của CNTT và nếu không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ thua ngay từ khi bắt đầu, khi nhân loại bước vào kỉ nguyên trí thông minh nhân tạo.
bài viết rất ý nghĩa.