Máy tính có lợi thế hơn con người ở đoạn tính nhanh (và ít sai), nếu tôi tính 1 phép toán bình thường thì cùng thời gian đó cái laptop của tôi có thể tính được khoảng 1 tỉ phép toán.
Hồi mới được phát minh, người ta nghĩ máy tính sẽ cho các vị chuyên gia tính toán chuyển nghề hết (giống như bây giờ người ta hi vọng AI sẽ khiến cả nhân loại ngồi chơi xơi nước), nhưng hóa ra thực tế phũ phàng hơn nhiều.
Năm 1954, ĐH Cambridge đặt ra bài toán “Tìm nghiệm nguyên của phương trình Diophantine x³ + y³ + z³ = k”.
Có vài số k khá dễ tìm nghiệm, chẳng hạn như k = 3, 29, 92,…
Nhưng có vài số máy tính tìm mãi chả ra kết quả, chẳng hạn k = 33 hoặc 42.
Năm ngoái, một GS toán ở Bristol, sẵn siêu máy tính trong tay, chơi trò vét cạn đã giải được trường hợp k = 33. Kết quả như sau:
(8,866,128,975,287,528)³ + (–8,778,405,442,862,239)³ + (–2,736,111,468,807,040)³ = 33
Nhưng với trường hợp k =42 thì siêu máy tính cũng … ngắc ngoải. Thế rồi team giải bài theo phong cách “duyệt trâu” (thuật ngữ của dân chuyên tin VN) của Bristol được bổ sung thêm một thánh duyệt đến từ MIT là GS Andrew Sutherland, họ cùng nhau phát triển chạy một … botnet để giải bài này (thực ra là dùng Charity Engine), thời điểm cao độ, botnet này huy động được gần 600.000 máy tính tham gia tìm nghiệm.
Cách đây (16/9/2019) vài ngày, nghiệm với k = 42 cuối cùng thì cũng được tìm ra:
(-80538738812075974)³ + 80435758145817515³ + 12602123297335631³ = 42
Bạn nào hứng thú với bài toán này có thể giải thử với k = 3. Trường hợp này có 4 nghiệm “tầm thường” là (1, 1, 1), (4, 4, -5), (4, -5, 4), (-5, 4, 4); hãy tìm thử nghiệm thứ 5 nhé.
(Bài gốc đã đăng ở Facebook, đưa về trang cho nó chính chủ)
Bình luận mới