(bài gốc đăng ở Facebook hồi Nick Vujicic đến Việt Nam, lấy về site cho nó chính chủ )
Lời dẫn: ngồi nghe bài giảng về đạo đức và tư tưởng HCM, viết ghi chú này cho bản thân là chính, chia sẻ là phụ, ai thích thì like, không like không vấn đề gì, nhưng comment chê bai sẽ bị xóa thẳng tay 🙂
Nick đến và đi, hơi ồn ào, chỉ có điều cái ồn ào đó lại ít về những gì mà Nick nói, mà chủ yếu là về tiền. Mình không đi nghe Nick, chỉ xem qua một vài chục giây quay về Nick trên youtube của Francis Hùng. Giá vé vào cửa là 700 nghìn/cặp, ngoài chợ đen hét giá 2 triệu/cặp, không hề đắt, mình cũng có thời gian, cái chính là đối với một người mà các giá trị sống đã định hình vững vàng như mình, việc nghe Nick diễn thuyết chẳng có tác dụng gì.
Đem Nick về Việt Nam mất 30 tỉ? Đặt dấu chấm hỏi vì không chắc đó có phải là con số đúng hay không. Nhưng khi quyết định tiêu tiền, nhiều tiền, thì hẳn chủ nhân của nó phải là người cân nhắc suy nghĩ nhất. Ấy vậy mà rất nhiều người, đặc biệt là dân trên FB, lại nghĩ tiền đó tiêu cho việc khác có lợi hơn!!!
Nick đến Việt Nam để làm gì? Ngoài chuyện tiền, người ta còn nói nhiều về sự “thiếu may mắn” của Nick, một số người còn so sánh Nick với những câu chuyện về người tàn tật vượt khó khác ở Việt Nam. Các bạn đều đúng cả, đúng là Nick thiếu may mắn, đúng là có thể tìm thấy nhiều người Việt Nam vượt khó chả thua kém gì Nick, điều duy nhất các bạn sai là Nick không đến Việt Nam để kể về sự bất hạnh của mình, Nick tới Việt Nam không phải để xin giúp đỡ. Ngược lại, Nick đến Việt Nam để giúp đỡ người khác, giúp đỡ những người mà đa phần trong họ tay chân đầy đủ, nhưng họ lại thiếu sự niềm tin và cảm hứng sống.
Khi bàn về chuyện tại sao Nick thành công mà không phải là những tấm gương người Việt khác như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hoặc hiệp sĩ CNTT Công Hùng. Nhiều tiếng thở dài chép miệng “sính ngoại”!!!
Mình tự hỏi, nếu người Việt mình xuất sắc nhất thế giới, đồ Việt Nam là tốt nhất thế giới thì liệu người Việt mình có còn “sính ngoại” nữa hay không? Câu trả lời chắc chắn là không, hơn nữa, lúc đó toàn thế giới sẽ chửi nhau là “đồ sính Việt”. Như vậy ta phải hiểu “sính ngoại” trong đa phần các trường hợp là sính cái tốt, “sính ngoại” đáng lẽ cần phải hiểu một cách tích cực, phải nên coi đó là động lực để phấn đấu, phải xấu hổ vì thua trên sân nhà. Liệu thầy Ký có thể diễn thuyết tốt như Nick được không? liệu Công Hùng có thể truyền niềm tin vào cuộc sống tốt như Nick được không? Câu trả lời là không, nhiều tấm gương người Việt đã được truyền thông xây dựng như một tấm gương vượt khó với khá nhiều sự thương hại và thông cảm, ở Nick không có điều đó. Sản phẩm mà Nick đem bán là thứ mà nhiều người lành lặn vẫn cần, đó chính là lý do tại sao Nick thành công.
Việc chép miệng “sính ngoại” trong trường hợp này vừa thể hiện sự thiếu hiểu biết vừa thể hiện sự hằn học của một kẻ thất trận mà không chịu hiểu tại sao mình thua. Nói cách khác, nó thể hiệu sự thiếu trưởng thành trong suy nghĩ. Viết đến đây bỗng giật mình nhớ lại một câu nói của ai đó, Việt Nam – đất nước của những đứa trẻ chết già!!!
hội trường T45, Hà Nội, 29 tháng 5 2013
Bình luận mới