Tranh cãi về chuyện ngôn ngữ lập trình nào hay nhất, mạnh nhất, chuyên nghiệp nhất,… là chủ đề ưa thích của giới lập trình viên. Vấn đề là chả có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đo xem thế nào là “hay”, thế nào là “mạnh”; vậy nên câu chuyện vẫn tiếp diễn dài dài từ năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác; chẳng hạn như cái thảo luận NÀY trên quora lôi kéo cả những tay cự phách, đem lý thuyết đông tây kim cổ ra làm lý lẽ.
Ở đây txnam.net chỉ đưa là một vài nguồn dữ liệu quan trọng để nhìn thấy xu hướng “nóng” của các ngôn ngữ. Nhận định chỉ có tính chủ quan, bạn đọc có thể đồng ý hoặc không.
GitHut
GitHut xếp hạng các ngôn ngữ lập trình dựa trên số liệu của các dự án vẫn còn hoạt động (active) trên GitHub, có khoảng 2.2 triệu dự án. Và bảng top-16 của GitHut đưa ra như sau:
RedMonk
RedMond xếp hạng các ngôn ngữ lập trình dựa trên mức độ hoạt động của các project trên GitHub và trên hỏi đáp có dính dáng đến ngôn ngữ lập trình đó trên site StackOverflow. Danh sách dưới là 18 ngôn ngữ phổ biến nhất theo RedMonk:
TIOBE Index
TIOBE Index xếp hạng các ngôn ngữ lập trình dựa trên các số liệu có tính đào tạo chẳng hạn như lượng kĩ sư lập trình thành thạo ngôn ngữ đó, số lượng khóa học về ngôn ngữ lập trình và xếp hạng của các search engine. Top-20 ngôn ngữ phổ biến nhất theo TIOBE Index như sau (tháng 9/2015):
- Java
- C
- C++
- C#
- Python
- PHP
- Javascript
- Visual Basic .NET
- Perl
- Objective-C
- Assembly
- Ruby
- Object Pascal
- Visual Basic
- Pascal
- Swift
- MATLAB
- PL/SQL
- R
- COBOL
IEEE Spectrum
IEEE Spectrum xếp hạng các ngôn ngữ lập trình dựa trên các số liệu từ 10 nguồn, trong đó có thư viện số IEEE Xplore, GitHub và CareerBuilder; không rõ các nguồn dữ liệu này được đặt trọng số như thế nào. Dưới đây là 10 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất theo cách tính này:
- Java
- C
- C++
- Python
- C#
- R
- PHP
- JavaScript
- Ruby
- Matlab
Ngôn ngữ lập trình nào là nhất năm 2015?
Câu trả lời đúng nhất là “còn tùy vào công việc”, thật vậy, hầu như lập trình viên không thể tự chọn ngôn ngữ lập trình mình thích để viết dự án, việc chọn ngôn ngữ lập trình còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như do yêu cầu của khách hàng, do thừa kế từ mã nguồn đã có sẵn hoặc do yêu cầu của hệ thống; nếu viết ứng dụng trên iPhone chẳng hạn, lập trình viên chỉ có vài lựa chọn: C/C++/Objective-C/Swift.
Quan sát trên tất cả các bảng xếp hạng, ngoài các ngôn ngữ cực mạnh truyền thống như C/C++, Java và Javascript; một số ngôn ngữ cạnh tranh khá mạnh như C#, PHP, Python vẫn giữ được phong độ; mới nổi lên trong vài năm nay có R và Swift.
BONUS: Chuyện xảy ra ở Việt Nam
Chém Gió Thiền Sư sau vài năm quay mặt vào tường giác ngộ, một ngày kia tự cảm thấy chạm đến chân lý, bèn xuất môn cứu nhân độ thế. Xuống đến chân cầu vượt Ngã Tư Sở, thấy một nhóm sinh viên đang trà chanh chém gió vấn đề gì vẻ rất sôi nổi. Thiền sư bèn lại gần hóng hớt, ý muốn giúp hóa giải tranh luận.
Thấy vậy một cậu sinh viên ngỏ lời:
– Đại sư, chúng tôi vốn học ngành lập trình, cũng muốn đắc đạo thành nhân, giống như những kẻ lêu lổng bỏ học bên Mỹ bỗng chốc đã là tỉ phú, hoặc chí ít cũng như tay hàn sĩ ở Hà Đông viết ra trò chơi gây nghiện…
Thiền sư gật đầu đáp:
– Tuổi trẻ có khát vọng vậy là tốt, chỉ cần được cao nhân chỉ điểm là thành.
Sinh viên bèn tiếp lời:
– Nhưng chúng tôi băn khoăn không biết học lập trình thì nên bắt đầu học ngôn ngữ nào trước là tốt nhất? Vì có nhiều lựa chọn, C++, Java, C#, Javascript,…
Thiền sư điềm đạm khẽ lắc đầu rồi đáp:
– Muốn chắc chắn thành công trong nghề lập trình, ngôn ngữ đầu tiên thí chủ cần phải học là … tiếng Anh.
Vừa dứt lời, hào quang trên trời phủ xuống, Thiền sư đắc đạo thành Phật,…
Bình luận mới