(bài gốc đăng ở Facebook, mang về site cho nó chính chủ)
Khi tôi nói chuyện với một cậu bạn học, ở bậc tiểu học và trung học môn nào khó dạy nhất? Có một môn học, mà mỗi khi giáo viên bước lên bục giảng, cảm thấy khủng hoảng và áp lực, thậm chí họ không hề muốn cất lời đọc nội dung từ trong sách. Môn học đó là là gì? Cấp 1, 2 thì làm gì có môn học nào kiến thức cao siêu tới mức độ như vậy? Câu trả lời thật bất ngờ, đó là môn Ngoại Ngữ,đúng như vậy, nhiều giáo viên ở Hà Nội thừa nhận họ thấy áp lực khi phát âm tiếng Anh, chỉ vì sau khi họ đọc xong thì học sinh ở dưới cười tủm tỉm, lý do vì giáo viên nói “ngọng”. Chuyện đó là tất nhiên, nhiều đứa trẻ được cha mẹ cho học tiếng Anh tại những lớp 100% giảng viên nước ngoài, chẳng cần biết họ có phải giảng viên xịn hay không, nhưng chắc chắn họ nói tốt hơn tất cả giáo viên người Việt, thế là đủ.
Tôi kể chuyện này không phải để chê bai trình độ giáo viên của ta, tôi chỉ muốn nói rằng đã qua rồi cái thời học sinh chép và học thuộc mọi thứ giáo viên viết ra, qua lâu rồi cái thời mà giáo viên dứt khoát phải giỏi hơn học sinh. Điều này làm nhiều nhà quản lý giáo dục lo sợ, chúng ta làm sao giáo dục được một người khi mà ta không biết bằng họ và không giỏi bằng họ? Nhưng trong cuộc sống thì chuyện đó đã xảy ra từ rất lâu rồi, hầu hết các huấn luyện viên bóng đá đều chơi bóng tệ hơn học trò của họ, nhưng họ vẫn là thầy, và học trò của họ vẫn học đá bóng theo giáo án của họ ngày ngày.
Khi mà tôi tiếp xúc với chương trình FasTracKids, một chương trình dành cho trẻ dưới 8, tôi đã có cảm giác tương tự như anh bạn của mình. Làm thế nào mà các giảng viên chương trình này có thể học và dạy cho đám trẻ quá nhiều thứ như vậy (12 môn học trải trong 2 năm)? Và tôi cho bé lớn nhà mình nhập học với một dấu hỏi lớn trong đầu. Tuy vậy, mọi việc có vẻ vẫn ổn, cậu nhỏ vẫn đi học và không có vẻ gì phàn nàn về các cô giáo :), thỉnh thoảng lại làm một số bài tập kì lạ kiểu như trồng thử mấy hạt đậu trong ống bơ; thỉnh thoảng có tranh luận với người lớn về vai trò của tim và phổi, đối với tôi, một đứa trẻ biết như vậy là hơi nhiều!!!
Một hôm, tôi đi đón con trai về, cô giáo nói “tuần này Tuấn Dũng rất ngoan, khác hẳn tuần trước” (tuần trước cô giáo còn bảo phải cắt lương bố vì con trai nghịch quá). Trên đường về, tôi hỏi lý do của việc ngoan “đột xuất”này, con trai trả lời: “con cố gắng ngoan để bố được tăng lương trở lại”, “tại sao phải làm như vậy?” – “vì đấy là lỗi của con, con có trách nhiệm sửa lỗi đó”. Như vậy đấy, điều tốt là chúng ta có thể dạy đứa trẻ biết nhận lỗi và hứa không làm sai, tốt hơn nữa là chỉ ra lỗi sai cho bé và chỉ cho bé cách sửa,nhưng điều tuyệt vời nhất là hãy khích lệ đứa trẻ của bạn nhận lấy những trách nhiệm thuộc về nó, bởi vì chúng ta không thể mãi mãi ở bên cạnh và chỉ ra lỗi sai cho bé.
Hà Nội, 30 tháng 10 2013
Bình luận mới