Chuyên đề CNTT (K63)

Chưa có bình luận

Môn học này được thiết kế để cung cấp cho sinh viên những góc nhìn mới, cập nhật về ngành nghề cũng như cơ hội được tiếp xúc, hỏi đáp những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam và những sinh viên khóa trước đã thành danh trong nghề.

Thông qua hai hình thức chính:

  • Tham gia các buổi thảo luận hội trường lớn trực tiếp hoặc trực tuyến về một chủ đề CNTT chọn lọc nào đó mà diễn giả mời muốn giới thiệu với các bạn sinh viên.
  • Kết thúc mỗi buổi, diễn giải đưa ra các vấn đề cần thảo luận tiếp ở dạng các câu hỏi mở; sinh viên được quyền chọn vấn đề mình ưa thích và viết tiểu luận (10-20 trang theo định dạng quy định) về chủ đề đó.

Danh sách các câu hỏi sẽ được cập nhật tại trang này vào giai đoạn gần cuối môn học.

Kết quả đánh giá môn học chủ yếu dựa trên chất lượng của tiểu luận; một phần trên điểm chuyên cần (dự học có điểm danh) và việc tham gia hỏi đáp tại các thảo luận.

Giảng viên:

Danh sách các câu hỏi làm tiểu luận:

  1. Dữ liệu = dầu thô? Có ý kiến so sánh dữ liệu như loại tài nguyên mới, tương tự như dầu thô, cần được khai thác và sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Hãy phân tích sự giống nhau và khác nhau của 2 loại tài nguyên này.
  2. Nghề nghiệp không code: Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mở ra cơ hội cho các nghề nghiệp trong ngành IT không yêu cầu lập trình, chỉ cần nhắc việc (prompt) cho AI. Bạn có sẵn sàng từ bỏ việc viết mã để làm những công việc này không? Hãy phân tích lý do.
  3. Xu hướng lowcode: Sự phát triển của các công cụ lập trình sử dụng AI dẫn đến sự nổi dậy của một xu hướng cũ là lowcode, trong đó người xây dựng ứng dụng chỉ cần lập trình tối thiểu và chủ yếu sử dụng các kĩ thuật kéo thả thông thường cho việc xây dựng ứng dụng. Đây có phải là xu hướng chủ đạo của nghề lập trình hay không? Nó có làm biến mất các ngôn ngữ lập trình? Phân tích cụ thể.
  4. Đạo đức AI: Một trường học quyết định sử dụng hệ thống camera AI để nhận diện khuôn mặt nhằm điểm danh sinh viên. Quyết định này tiềm ẩn những rủi ro gì về đạo đức AI? Hãy phân tích cụ thể.
  5. ChatGPT và sinh viên: Có nên cho phép sinh viên được sử dụng ChatGPT thoải mái trong khi thi hay không? Hãy phân tích các luận điểm và lập luận để làm rõ. Nếu câu trả lời là có, thì phương thức thi cử hoặc cách ra đề có cần sự thay đổi gì không?
  6. Không cần học ngoại ngữ? Với sự phát triển của các hệ thống dịch tự động hiện tại, trong tương lai loài người sẽ không có nhu cầu học ngoại ngữ, bạn đồng ý hay phản đối ý kiến này? Hãy giải thích chi tiết quan điểm của bạn.
  7. Xe tự lái và trách nhiệm: Trong trường hợp một xe tự lái hoàn toàn gây tai nạn, ai hoặc đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Bạn có sẵn sàng sử dụng xe tự lái trong tương lai không? Giải thích lập luận của bạn.
  8. Data platform cho Đại học Thủy Lợi? Theo bạn một data platform cho trường cần quản trị những loại dữ liệu gì và cần có những công cụ khai thác như thế nào (nêu cụ thể ứng dụng của chúng), hệ thống này nên được xây dựng tập trung hay phân tán?
  9. Tầm quan trọng của thuật toán: Mặc dù ít có vị trí việc làm yêu cầu thuật toán trực tiếp, bạn đánh giá như thế nào về vai trò của thuật toán trong nghề nghiệp IT và chương trình đào tạo? Hãy đề xuất thay đổi cho chương trình của Khoa CNTT.
  10. Nhảy việc hay ổn định: Theo bạn, việc ổn định công việc hay nhảy việc để tăng lương (dù chỉ một ít) là tốt hơn? Hãy phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này.
  11. Tuổi thọ nghề lập trình: Bạn có dự định làm lập trình viên sau khi ra trường không? Nếu có, bạn sẽ làm nghề lập trình đến bao nhiêu tuổi? Sau đó, bạn dự định làm gì tiếp theo?
  12. Học liên tục: Xu hướng học liên tục có dẫn đến kết quả là người ta không cần học đại học hay không? Hãy phân tích kỹ xu hướng học liên tục cùng các luận điểm hỗ trợ cho lập luận của bạn.
  13. Lựa chọn công ty: Bạn sẽ chọn làm việc tại một công ty startup với mức lương thấp nhưng cơ hội phát triển cao, hay một công ty lớn với mức lương ổn định và cơ hội phát triển trung bình? Giải thích lý do.
  14. Phát triển xã hội số: Theo bạn, mức độ chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Bạn có sẵn sàng tham gia một dự án chuyển đổi số miễn phí nhằm mang lại lợi ích xã hội không? Giải thích lựa chọn của bạn.
  15. Hệ thống thông tin trường học: Theo bạn, hệ thống thông tin hiện tại của Đại học Thủy Lợi có những bất cập gì? Hãy so sánh và đề xuất cải tiến dựa trên các hệ thống của các trường đại học khác.
  16. Tham gia ngành game: Bạn có muốn tham gia phát triển game không? Bạn đánh giá tương lai của ngành game trong 10 năm tới ra sao? Nếu được, bạn muốn phát triển một game như thế nào?
  17. Mặt tiêu cực của game: Game có thể mang lại cả lợi ích lẫn tác động tiêu cực đến cá nhân và xã hội. Hãy trình bày các khía cạnh tiêu cực mà bạn biết. Nếu tham gia phát triển game, bạn có ý tưởng gì để giảm thiểu các tác động này?
  18. Lựa chọn đạo đức trong phát triển game: Nếu được mời tham gia phát triển một game gây nghiện và hút tiền người chơi, đổi lại bạn và đội ngũ phát triển sẽ nhận được khoản tiền lớn, bạn sẽ quyết định tham gia hay từ chối? Hãy giải thích lý do.
  19. Đặc điểm văn hóa trong game: Nếu phát triển một game mang bản sắc Việt Nam, bạn sẽ lựa chọn và thể hiện những đặc trưng văn hóa nào trong game?
  20. Gamification trong đời sống: Có ý kiến cho rằng mọi thứ trong đời sống có thể được gamify (biến thành game) để tăng tính thú vị. Bạn có đồng ý với quan điểm này không? Nếu triển khai gamification trong phần mềm cho sinh viên ĐHTL, bạn cho rằng nên triển khai như thế nào?
  21. Mã nguồn mở và tác động: Mã nguồn mở giúp giảm chi phí phát triển phần mềm nhưng cũng làm giảm doanh thu của các công ty phần mềm. Bạn đồng ý hay không đồng ý với nhận định này? Hãy phân tích cụ thể.
  22. Trách nhiệm của lập trình viên: Có quan điểm cho rằng không có phần mềm xấu, chỉ có người dùng xấu. Bạn có đồng ý với việc lập trình viên nên được phép viết bất kỳ phần mềm nào miễn là cảnh báo đầy đủ về rủi ro cho người dùng không? Hãy phân tích.
  23. Bảo vệ dữ liệu người dùng: Nếu một công ty dịch vụ y tế yêu cầu bạn chia sẻ dữ liệu người dùng để phát hiện sớm bệnh tật, bạn có đồng ý không? Hãy phân tích các khía cạnh đạo đức và thực tiễn.
  24. Phân tán hay tập trung: Khi xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, bạn chọn cách tiếp cận tập trung toàn bộ dữ liệu vào một khối thống nhất hay phân tán dữ liệu giữa các đơn vị chức năng? Hãy phân tích ưu và nhược điểm.
  25. Tiếp cận phần mềm sớm hay muộn: Người dùng cuối nên được sử dụng phần mềm khi nó vẫn đang phát triển hay chỉ khi đã hoàn thiện? Hãy giải thích lựa chọn của bạn.
  26. Digital Twin và Metaverse: Chúng có sự liên quan như thế nào, bạn sẽ đưa những gì đặc trưng Việt Nam vào metaverse nếu bạn được lựa chọn? Lý do?
  27. Tiền mã hóa và tương lai tài chính: Bạn có nghĩ rằng Bitcoin hoặc các loại tiền mã hóa có thể thay thế tiền tệ thông thường trong tương lai xa không? Hãy trình bày quan điểm của bạn.
  28. Chính phủ và cá nhân: Trong vấn đề an toàn thông tin, nếu phải lựa chọn giữa hai phương án (1) Chính phủ theo dõi và can thiệp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn thông tin cho người dân (2) Chính phủ không cần làm gì, người dân chủ động tự đảm bao an toàn thông tin của cá nhân; thì bạn sẽ chọn phương án nào, phân tích kĩ các lý do cho sự lựa chọn của bạn.
  29. Trở ngại cho điện toán đám mây ở Việt Nam: Hãy phân tích các trở ngại trong việc triển khai điện toán đám mây tại Việt Nam, trở ngại nào là khó vượt qua nhất? Hãy đưa ra các giải pháp mà bạn nghĩ là phù hợp để giải quyết những trở ngại này.
  30. AI trong nông nghiệp: Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, có những ứng dụng AI nào có thể triển khai được ngay (trong 1-2 năm tới) để có thể đem lại lợi ích cho ngành nông nghiệp và người nông dân. Hãy làm rõ hiệu quả và trở ngại khi triển khai những ứng dụng này.

Cách nộp bài tiểu luận:

  • Sinh viên chọn câu hỏi và làm bài tiểu luận (10-20 trang), mẫu ở đây: https://chuyende.finetest.vn/MAU-CHUYEN-DE.docx
  • Bài tiểu luận cần lưu ở định dạng PDF, website chỉ chấp nhận định dạng này
  • Địa chỉ nộp tiểu luận: https://chuyende.finetest.vn
  • Nhập mã sinh viên, lớp quản lý (viết đúng chữ hoa chữ thường) và mã đăng nhập, nếu lần đầu đăng nhập dùng mã 0000
  • Sau mỗi lần nộp bài thành công, mã đăng nhập sẽ thay đổi, sinh viên lưu giữ lại mã này dùng cho trường hợp cần cập nhật bài làm
  • Sinh viên có thể nộp nhiều lần cho đến khi trang web nộp bài đóng lại
  • Trang web sẽ đóng nộp bài khi hết hạn nộp, bài gửi cuối cùng của sinh viên được xem là bài làm chính thức

Bình luận: