Lập trình viên Việt Nam có nên học COBOL?

Chưa có bình luận

(bài viết đã đăng ở Facebook, đem về đây cho nó chính chủ)

COBOL, một ngôn ngữ lập trình cổ, ra đời từ năm 1959, được dùng chủ yếu trong môi trường doanh nghiệp hơn là khoa học (COBOL là viết tắt của Common Business Oriented Language, nghe cái tên là hiểu rồi). Dù là ngôn ngữ rất cổ, COBOL đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận hành các doanh nghiệp. Vài con số để minh họa (số liệu của năm 2014, tại Mỹ):

  • 90% doanh nghiệp trong Fortune 500 sử dụng hệ thống có COBOL
  • 70% các chức năng vận hành doanh nghiệp quan trọng nhất viết bằng COBOL
  • Mã COBOL kiểm soát khoảng 85% các giao dịch trong doanh nghiệp, 95% giao dịch ATM, 96% giao dịch đặt phòng khách sạn
  • Ứng dụng COBOL chạy trên máy tính lớn (mainframe) tổng trị giá chừng 2000 tỉ USD
  • Tổng giá trị đầu tư vào COBOL (gồm kĩ thuật, quản trị, máy móc,…) khoảng 5000 tỉ USD
  • Mỗi ngày còn thêm khoảng 1.5 triệu dòng code mới
  • Khoảng 2 triệu người đang làm việc với COBOL hàng ngày
  • Có khoảng 200 tỉ dòng code COBOL đang được vận hành
 Có 2/3 số lập trình viên COBOL trên 50 tuổi, họ sẽ về hưu trong 10 năm tới, tạo thành một khoảng trống khổng lồ về nguồn nhân lực. Trong khi đó, 65% các cơ sở đào tạo ở Mỹ không muốn dính dáng gì tới COBOL, 39% sinh viên nói học COBOL là lỗi thời, 13% tin rằng COBOL đã chết và 15% nói rằng họ chưa nghe nói gì tới COBOL.

Kết quả có thể tiên đoán được, chắc chắc các doanh nghiệp sẽ phải tìm nguồn lập trình viên COBOL từ nước ngoài, hoặc out source công việc liên quan tới COBOL ra ngoài nước Mỹ.

Vậy thay vì học C++ hay lập trình mobile, các trường đại học Việt Nam nên khuyến khích sinh viên học COBOL?

BONUS: Về người sáng tạo ra COBOL

Chuẩn đô đốc Hải quân Hoa Kỳ (tương đương thiếu tướng) Grace Murray Hopper (9/12/1906-1/1/1992), tác giả của ngôn ngữ COBOL (người phụ nữ trong ảnh). Bà là một trong số ít phụ nữ Mỹ lên đến cấp tướng, một lập trình viên tiên phong. Năm 1952, bà là người viết trình biên dịch (compiler) đầu tiên cho một ngôn ngữ lập trình, bà đặt tên cho hệ thống này là “A-0 system”, thuật ngữ “compiler” cũng được đặt ra bởi Grace.

Khi làm việc với máy tính Mark II, bà phát hiện ra một con bọ gây hỏng máy tính này (thực ra là một con sâu bướm), bà viết sự kiện này trong sổ tay của mình, về sau thuật ngữ “debugging” (tìm lỗi) của giới lập trình được cho là xuất phát từ sự kiện này.

Grace Murray Hopper (nữ tác giả của COBOL) bên UNIVAC keyboard, năm 1960.

Grace Murray Hopper (nữ tác giả của COBOL) bên UNIVAC keyboard, năm 1960.

Bình luận: