Viết về Nelson Mandela

Chưa có bình luận

(bài gốc đăng ở Facebook, mang về site cho nó chính chủ)

Tuần này mình lây nhiều chuyện không vui từ gia đình một số bạn bè, nên không viết về đề tài giải trí, mà sẽ dành vài dòng cho một trong những vĩ nhân cuối cùng của thời đại.

Vì báo chí và những tay cà chớn trên mạng viết cũng nhiều (và cũng nhảm) nên mình sẽ biên những thứ mà ít người biết về cụ Nelson Mandela (gọi là cụ cho nó kính trọng, như cụ Hồ ý, chứ tuổi tác thì cụ Mandela kém tuổi ông nội mình). Chủ yếu có tính chất thông tin mà thôi, còn bình luận thế nào thì tùy người đọc.

1/ Nelson Mandela còn được gọi là Madiba, đây không phải là tên gọi mà là một tước hiệu cao quý trong bộ tộc, trước ông cũng có vài Madiba khác

2/ Sinh ra trong một gia đình danh giá, ông theo học ở trường Healdtown nơi mà nhiều con cái trong hoàng tộc Thembu theo học, ở trường này ông tham gia môn quyền anh, có người nói ông trở thành võ sĩ nghiệp dư kiêm luật sư nhưng không có chứng cớ nào về việc ông có lên võ đài

3/ Nelson Mandela thực chất là người cộng sản @@, ANC (đại hội dân tộc phi châu) là tổ chức do Đệ Tam Quốc Tế của Liên Xô thành lập (Quốc Tế III liên quan gì tới Nguyễn Ái Quốc thì ai cũng biết rồi), tất cả những thành viên quan trọng của ANC đều là thành viên của Đảng Cộng Sản Nam Phi (SACP), kể cả Mandela

4/ ANC lúc đầu theo đường lối đấu tranh bất bạo động của Gandhi (ông này cũng đã từng sang Nam Phi để tuyên truyền đấu tranh bất bạo động). Sau đó cảm thấy “diễn biến hòa bình” có vẻ không ổn, Mandela thành lập cánh vũ trang của ANC với tên gọi Umkhonto we Sizwe và trực tiếp điều hành các chiến dịch đánh bom các cơ sở của chính quyền (nhưng với mục đích phá hủy biểu tượng chính quyền chứ không có mục đích gây thương vong)

5/ Vì những vụ đặt bom và dính tới cộng sản, chính quyền Mỹ coi ANC là khủng bố và hỗ trợ chính quyền Nam Phi vây bắt Mandela, ông bị tuyên án 5 năm, sau đó là chung thân

6/ Trong tù Mandela bị hạn chế khá nhiều về mức sống (ăn uống, thư từ, gặp gỡ khách) nhưng quản lý khá lỏng lẻo, với mục đích tạo điều kiện cho ông trốn trại (và sẽ bị xử tử), nhưng Mandela lại không có ý chạy trốn mà muốn đấu tranh ngay trong tù

7/ Mandela chiến thắng không phải chỉ vì có sự ủng hộ của người da đen mà là do được sự tin cậy của 9% người da trắng ở Nam Phi, rằng ông sẽ xây dựng một quốc gia hòa giải

8/ Năm 1992, sau khi ra tù và chắc chắc sẽ trở thành tổng thống, Nelson Mandela tham dự phái đoàn của Nam Phi tham dự hội nghị của WTO ở Davos (Thụy Sĩ). Vì là người cộng sản, ông đã gặp phái đoàn Trung Quốc và Việt Nam, và nói dự kiến sẽ áp dụng kinh tế tập trung kế hoạch hóa kiểu cộng sản vào Nam Phi. Tuy nhiên ông đã nhận được những lời khuyên hữu ích từ TQ và VN, kết quả là Nam Phi vẫn là kinh tế thị trường

9/ Mandela có 3 đời vợ (bỏ người này mới lấy người sau – mặc dù Nam Phi cho phép đa thê), người vợ thứ 2 của ông cũng là một thủ lĩnh chính trị của ANC và ngấm ngầm cạnh tranh quyền lực chính trị với Mandela. Thời kì Mandela ở tù, bà này trực tiếp điều hành cánh vụ trang của ANC thay cho chồng, ngoài ra bà còn có thói quen nghiện rượu, hút thuốc và có khá nhiều nhân tình trẻ tuổi; kết quả là sau khi ra tù, với kinh nghiệm từng chơi đấm bốc, Mandela cho bà này ăn đòn thường xuyên. Hai người chia tay năm 1992

10/ Mandela và tổng thống Mugabe (Zimbabwe) cùng là những người đấu tranh vì tự do cho quốc gia, cả 2 đều rất nổi tiếng ở các nước miền Nam châu Phi, tuy nhiên rất không ưa nhau. Mandela đã từng phát biểu về Mugabe như sau: “ông ấy như một vì sao sáng trên bầu trời, thế rồi mặt trời hiện ra…” (khụ khụ, cụ này quả có tính hài ước cao độ)

11/ Một trong những sự khác biệt lớn nhất của Nelson Mandela (so với các lãnh tụ khác) là ông chỉ cầm quyền 1 nhiệm kỳ duy nhất. Tuy nhiều người coi việc này là sự thể hiện việc không ham muốn quyền lực, có ý kiến cho rằng Mandela nhìn thấy trước sự thất bại của Nam Phi trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và chủ động tránh xa khỏi vấn đề nan giải này

tối muộn, 14 tháng 12 2013

Bình luận: