Donald Trump “nổi dậy” là do giới phân tích quá tin vào máy tính?

Chưa có bình luận

Khi tỉ phú Donald Trump tuyên bố chạy đua vị trí đề cử của đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2017, tất cả mọi người đều coi đó là chuyện đùa, thôi thì thêm một người chạy đua cho xôm vậy…

Vào thời điểm đó, có cả chục nhân vật chính trị của đảng Cộng Hòa tham dự cuộc đua, chẳng ai quan tâm đến cơ hội của Trump; lý do rất đơn giản, các mô hình dự báo trên máy tính đều khẳng định: Donald Trump không có “cửa” trở thành nhân vật được đảng đề cử.

Donald Trump

Khi Donald Trump đại thắng ở Indiana, tất cả các đối thủ đều đã tuyên bố bỏ cuộc

Năm 2009, nhóm nghiên cứu về nền chính trị Mỹ thuộc đại học Chicago đã xuất bản cuốn sách “The Party Decides: Presidential Nominations Before and After Reform” (tạm dịch: Đề cử tổng thống của đảng trước và sau cải cách; gọi tắt là TPD), cuốn sách nhanh chóng được giới nhà báo chú ý, thậm chí Google News còn thống kê rằng TPD được nhắc đến nhiều hơn cả cuốn “Dreams From My Father” của tổng thống Obama vốn là sách bestseller (sách bán chạy nhất).

TPD đã viết gì mà được chú ý như vậy?

Mô hình bầu cử của Mỹ phức tạp nhất thế giới và chủ yếu dựa trên các đại cử tri được bầu lên từ các bang, các đảng phái tại Mỹ cũng sử dụng một mô hình tương tự như vậy để tìm ra ứng viên tổng thống cho mình. Mô hình bầu cử này vẫn bị chỉ trích là không thực sự công bằng và dân chủ. Ví dụ cụ thể nhất là cuộc bầu cử năm 2000, khi mà tổng thống Bush con đã thắng cử với 47,9% cử tri ủng hộ, trong khi đối thủ Al Gore được 48,4% phiếu cử tri nhưng lại thua cuộc. Trường hợp khác là năm 1876, ứng viên Rutherford Hayes dành thắng lợi với 47,9% cử tri ủng hộ và đối thủ Samuel Tilden thì được tới 50,9% số phiếu bầu.

Nghiên cứu số liệu về bầu cử ở Mỹ từ những năm 1790 tới 2008, TPD kết luận rằng mô hình bầu cử ở Mỹ trong thực tế không quá “dân chủ” như mong muốn, theo nghĩa quyền lực của mọi lá phiếu bầu là như nhau.

Không phải giới nghiên cứu chính trị Mỹ không nhận ra điều bất bình thường này, những cải cách trong bầu cử thập niên 1970 ở Mỹ với hi vọng cho cử tri nhiều quyền lực hơn; nhưng nghiên cứu của TPD lại chỉ ra điều ngược lại.

Bốn tác giả của cuốn sách chỉ ra rằng từ cuối thập kỷ 1970 đến nay cả hai đảng lớn của Mỹ đã xây dựng được một cơ chế lựa chọn ứng cử viên tổng thống mà bề ngoài có vẻ dân chủ do đảng viên bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng trong thực tế, giới tinh hoa (elite) trong đảng ngầm lèo lái lá phiếu để người của họ chọn cuối cùng sẽ được bầu.

Cuối cùng, cuốn sách cũng chỉ ra mô hình hoạt động của việc “lèo lái” này về cơ bản là dồn sự ủng hộ công khai (endorsement) của giới tinh hoa cho ứng viên mà họ muốn thắng từ những vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên. Hệ quả là tác động truyền thông trong và ngoài đảng sẽ dẫn đến việc các đảng viên sẽ bỏ phiếu theo xu hướng như vậy.

Sự trỗi dậy của mô hình dự đoán dựa trên phân tích dữ liệu

Các tác giả của TPD đã chứng minh rằng tỷ lệ ủng hộ công khai (endorsement) là chỉ số có tính quyết định việc ứng viên nào sẽ nhận được đề cử của đảng. Tất nhiên còn nhiều chỉ số khác trong việc cân đo ứng viên như thăm dò dư luận (poll rating), lượng tiền quyên góp cho chiến dịch bầu cử (raised money) hay độ phủ trên truyền thông (media coverage); nhưng cuối cùng, tỉ lệ endorsement mới có tính quyết định.

Giới nghiên cứu chính trị thậm chí tạo ra thuật ngữ “invisible primary” (nhại theo thuật ngữ “invisible hand” – “bàn tay vô hình” của Adam Smith trong kinh tế), để chỉ sức mạnh quyết định này của giới tinh hoa. Mô hình được TPD xây dựng đúng với tất cả các ứng viên của cả hai đảng: Bush, Clinton, Obama, Romney,… tất cả đều có tỷ lệ endorsement cao từ rất sớm và sau đó trở thành đề cử chính thức của đảng.

Invisible Primary

“Nhân tố vô hình” điều chỉnh kết quả bầu cử Mỹ chứ không phải là số phiếu cử tri

Khi mới bắt đầu nghề viết báo về chính trị, một trong những cản trở lớn nhất đối với những nhà báo là họ có quá ít nguồn tin “thông thạo”, hệ quả là những nhà báo này không có nhiều tư liệu cho viết bài, những nhận định của họ cũng thường bị đánh giá là “thiếu kinh nghiệm”. Việc xây dựng những mô hình dự báo trên cơ sở phân tích số liệu định lượng như TPD đã trang bị cho những nhà báo mới vào nghề một nguồn đánh giá vô cùng tin cậy trong việc đưa ra những nhận định về kết quả bầu cử, thay thế dần cách làm việc của những thế hệ nhà báo chính trị lão thành, thường đưa ra các đánh giá dựa trên các nguồn tin riêng vốn có ít nhiều cảm tính.

Blogger vô danh Nate Silver, vốn xuất thân là một nhà thống kê, đã gây dựng tên tuổi của mình nhờ việc ứng dụng những mô hình này, Silver đã dự báo hầu như chính xác kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, cuộc bầu cử giữa kì vào thượng viện năm 2010; và năm 2012, Silver thậm chí dự báo đúng kết quả bầu cử ở 49/50 bang nhờ áp dụng các phương pháp định lượng. Ngay cả giải nobel kinh tế Paul Krugman cũng trở thành fan hâm mộ của Silver. Khởi nguồn từ Silver, một cuộc cách mạng đã diễn ra trong giới bình luận về chính trị ở Mỹ với những công cụ phân tích số liệu và mô hình dự báo hoàn hảo.

“Nhưng lần này thì khác” (câu nói kinh điển của dân chứng khoán)

Tháng 6/2015, Donald Trump tuyên bố ứng cử tổng thống nhiệm kì 2017-2020, bản thân Trump khi đó mới là đảng viên đảng Cộng Hòa được hơn 2 năm, tỉ lệ endorsement cho Trump gần như không có. Đương kim tổng thống Obama thậm chí còn chế nhạo Trump hành xử giống như người của giới showbiz hơn là một chính trị gia.

Đảng Cộng Hòa và giới phân tích chính trị không mấy quan tâm đến các phát biểu cũng như chiến dịch vận động của Trump, lý do đơn giản là các lý thuyết và đặc biệt là mô hình trong TPD đã chỉ ra rằng Trump không thể thắng trong đợt bầu cử sơ bộ (để dành đề cử của đảng). Ngay cả khi thường xuyên về đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, những nhà phân tích vẫn không đánh giá cao cơ hội của Trump với lý do tỷ lệ endorsement của giới tinh hoa cho ông ta rất thấp. Nhiều nhà bình luận còn đưa ra những trường hợp tương tự trong các kì tranh cử trước đó: những ứng viên có số phiếu cao ở giai đoạn đầu nhưng cũng có endorsement thấp như đều bị thua cuộc, chẳng hạn như Michele Bachmann, Herman Cain, Newt Gingrich,…

Sự tự tin thái quá vào mô hình dự đoán khiến cho giới chức đảng Cộng Hòa chủ quan tới mức không có bất kỳ động thái gì ngăn cản hay chế ngự Donald Trump; cho đến ngày Siêu-thứ-ba (Super Tuesday, 1/3/2016) họ mới hoảng hốt nhận ra rằng ngay cả Nate Silver không phải là thánh và chỉ có cơ hội rất nhỏ để ngăn cản Trump trở thành ứng viên chính thức.

Trong quy chế chọn ứng viên của đảng Cộng Hòa, nếu không có ứng viên nào được quá 50% đại biểu ủng hộ thì trong ngày đại hội đảng, các đại biểu (cho các bang) được quyền bầu cho ứng viên mà mình thích (thay vì bầu cho ứng viên được cử tri tại bang của mình chọn). Chiến lược duy nhất để lật ngược tình thế là cố gắng chiếm càng nhiều phiếu càng tốt, để Donald Trump không dành quá 50% số đại biểu, sau cùng sẽ “quyết chiến” tại đại hội đảng. Nhưng rồi chuyện đó cũng không xảy ra, sau chiến thắng tưng bừng tại Indiana, cả hai đối thủ còn lại của Trump là Ted Cruz và John Kasich đều tuyên bố bỏ cuộc, 99,99% khả năng Trump sẽ nhận được đề cử của đảng Cộng Hòa.

Vậy chúng ta có nên tin vào mô hình nữa hay không?

Thực ra trong trường hợp của Donald Trump, mô hình không hoàn toàn sai, nó đã chỉ ra rằng cơ hội nhận đề cử của Trump là rất thấp. Nhưng điều mà các nhà phân tích chính trị và đảng Cộng Hòa không nhận ra là các ứng cử viên khác cũng không có nhiều cơ hội; không một ứng cử viên nào khác của đảng Cộng hòa có endorsement cao như Bush, John McCain hay Romney trước đây, vì vậy cuộc bầu cử là sự nganh đua của các ứng viên nằm “ngoài mô hình”.

Việc những mô hình dự báo sai và cần điều chỉnh không phải là chuyện quá xa lạ đối với giới khoa học, đặc biệt đối với những ngành như kinh tế hay vật lý. Định luật vạn vật hấp dẫn một thời là chân lý khi xét trên không gian 3 chiều, nhưng khi mở rộng ra môi trường không-thời gian, nó không còn đúng nữa và thay thế bởi những lý thuyết vật lý hiện đại khác.

Vậy có nên tin vào mô hình như TPD nữa hay không? Câu trả lời là vẫn nên, vì thứ nhất là chúng ta chẳng có thứ gì tốt hơn mô hình dự báo, không có định luật nào cho chính trị cả; thứ hai là bản thân các mô hình có thể tiếp tục được sửa đổi để thích ứng những tình huống đặc biệt, như trong tình huống của TPD, cần một mô hình TPD bổ sung phục vụ trường hợp bầu cử không có “invisible primary”.

Bình luận: